Đầu tóc bóng mượt, cà vạt đeo suốt ngày, điện thoại reo tíu tít ngay cả khi đang thư giãn với bạn bè... Đó là hình ảnh của một nhân viên môi giới chứng khoán. Hình ảnh bận bịu và đầy quan trọng ấy, chỉ hai năm về trước, Trần Ngọc Tú, nhân viên môi giới chứng khoán của Công ty chứng khoán Quốc gia (NSI) không thể hình dung ra. Hơn hai năm trước, Tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ, đang là nhân viên marketting của một hãng xe máy có tiếng, Trần Ngọc Tú bỏ sang làm nhân viên môi giới chứng khoán, lý do đơn giản là vì “thích”. Khi đó anh đã hơn 30 tuổi. Năm 2004, không khí tại sàn chứng khoán, theo cảm nhận của Tú và các đồng nghiệp, rất ảm đạm và các buổi giao dịch đều “vắng tanh”, các nhà đầu tư lên sàn còn rất dè dặt... Việc mà Tú phải làm là tận dụng các mối quan hệ để mời người đến tham dự các buổi nói chuyện về thị trường chứng khoán. Trong một buổi nói chuyện mà tôi có tham gia, Tú đã dành nhiều thời gian giải thích việc tại sao nên đầu tư vào cổ phiếu của một công ty mà khả năng sinh lợi không cao, rồi các khái niệm như ủy thác đầu tư, cổ tức là gì?... “Phải rất vất vả chỉ để người ta ngồi nghe mình nói và biết đến mình, trong khi mình không hề được lợi nhiều vì phí môi giới chỉ là 0,5% nếu có khách hàng giao dịch”, Tú kể, rồi bất chợt bật cười: “Bây giờ thì chẳng phải mời mọc gì người ta tự dưng đến. Có rất nhiều người trong các buổi nói chuyện ngày trước liên lạc lại với mình, bây giờ người ta mới cảm thấy các kiến thức trước kia là có ích …” Khác với Tú, Khanh mới 25 tuổi và bắt đầu nghề môi giới vào tháng 9 năm ngoái, thời điểm thị trường đang “lên như diều gặp gió”, các công ty chứng khoán ra đời nhiều và ráo riết tuyển nhân viên môi giới. Học Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà nội, tranh thủ thời gian làm đồ án tốt nghiệp, Khanh đi học các chứng chỉ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và chỉ trong một thời gian ngắn, Khanh đã có được cả 3 chứng chỉ theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đối với một nhân viên môi giới. Khanh có lẽ đã may mắn, vì khi đó các lớp học chứng khoán còn chưa quá tải như hiện nay. Trong lúc nhiều bạn bè cùng lớp còn chưa tìm được việc làm thì Khanh nhanh chóng tìm được việc và có một mức thu nhập đáng mơ ước với nhiều sinh viên mới ra trường… Và những thực tế Với những người vào nghề từ những ngày đầu như Tú, hầu hết những bước chuyển trong nghề nghiệp đều vì thích thú với thị trường chứng khoán. Tú chia sẻ, “mình chuyển sang làm nhân viên môi giới chứng khoán không phải vì lương, bởi lương của một nhân viên môi giới vào thời điểm đó khoảng 3 triệu/tháng, không phải là cao so với các ngành nghề khác”. Còn về sự giàu lên của nhiều nhân viên môi giới chứng khoán, anh cho rằng chủ yếu là nhờ đầu tư. Họ dám mạo hiểm, có kỹ năng phân tích và đầu tư đúng lúc thị trường đang lên. Lương hiện nay của một nhân viên môi giới chứng khoán trung bình khoảng 3 – 6 triệu/tháng, không quá cao nhưng nhiều người tin đây là một nghề có tương lai. Hiện nay, hầu như các nhân viên môi giới chỉ làm những công việc rất đơn giản. Họ nhận lệnh của nhà đầu tư, kiểm tra tài khoản của khách hàng xem có đủ điều kiện để giao dịch hay không, nhập dữ liệu chính xác vào máy tính rồi chuyển đến Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc TP. HCM, sau đó, nhận kết quả và thông tin cho khách hàng. Nhiều nhân viên môi giới thừa nhận, đó là những thao tác đơn giản mà chỉ cần một chút chính xác, một chút cẩn thận thì ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, công việc của một nhân viên môi giới đúng nghĩa là tư vấn cho khách hàng. Hiện nay do lượng khách hàng quá đông, hơn nữa, số lượng nhân viên môi giới lại hạn chế nên hầu như tất cả các công ty chứng khoán đều không thực hiện nghiệp vụ này. Nhớ lại thời điểm phải vất vả mời mọi người đến tham dự, rồi vất vả để họ lắng nghe mình trong gần 2 tiếng đồng hồ, Tú bảo “đó mới là nghiệp vụ của một nhân viên môi giới”… Còn bây giờ, khi các nhà đầu tư cần đến sự tư vấn lại không được tư vấn. Điều đó cho thấy đây là một trong những ngành nghề thiếu hụt nhân lực nhất hiện nay. Các công ty chứng khoán hiện nay đều đang gấp rút phát triển đội ngũ nhân viên môi giới chứng khoán. Chẳng hạn, Công ty chứng khoán Quốc Gia (NSI) hiện có khoảng 40 nhân viên, nhưng theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, con số đó phải tăng gấp đôi… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và tổ chức kinh tế cũng đang có đề án thành lập công ty chứng khoán. Cơ hội cho các nhân viên môi giới chứng khoán là rất lớn. Về lý thuyết, để trở thành nhân viên môi giới chứng khoán, cần hoàn thành 3 khóa học do UBCKNN tổ chức. Đó là các khóa học về những kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán, những văn bản pháp luật trong điều chỉnh hoạt động chứng khoán, và khóa học phân tích & đầu tư chứng khoán. Sau đó, các học viên nộp đơn và tham gia kỳ thi sát hạch do UBCKNN tổ chức. Tuy nhiên, các lớp học này hiện nay đang quá tải, do nhu cầu ngày càng nhiều. Chẳng đâu xa, Tú tuy đã làm nghề được hơn 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa có đủ 3 chứng chỉ quy định mặc dù anh đã nộp đơn học từ tháng 12 năm ngoái. Nhiều nhân viên môi giới cho rằng, nghề nghiệp của họ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của thị trương chứng khoán. Trong vài ba năm nữa khi thị trường chứng khoán có xu hướng phát triển nhanh, nghề môi giới chứng khoán sẽ còn phát triển nhưng bên cạnh đó, yêu cầu đối với lao động trong ngành này chắc chắn sẽ cao hơn. Cùng với sự phát triển tất yếu, thị trường và các nhà đầu tư sẽ ngày càng đòi hỏi cao đối với các nhân viên môi giới. Khi đó, trình độ và năng lực tư vấn của nhân viên môi giới sẽ tạo nên sự khác biệt giữa các công ty chứng khoán… |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét