... ... • Những mánh khóe môi giới chứng khoán ~ Trần Long ... ...

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Những mánh khóe môi giới chứng khoán

Linda Dedini, cô con gái 30 tuổi của một trong những CEO có mức lương
cao nhất ở Mỹ, không muốn nói nhiều về bố mình. Cô gắn bó với ông về
tình cảm nhưng hoàn toàn độc lập về tài chính. Cô yêu quý ông nhưng
không hề muốn nhận một chút tiền nào của ông.



Vợ chồng cô là những người có tính độc lập, muốn chứng minh rằng họ có
thể tự làm giàu mà không cần sự giúp đỡ của bố. Khác với hầu hết những
người bạn, cô tránh không nói với ai rằng bố cô là một CEO nổi tiếng. Cô
là giáo viên dạy vật lý tại một trường cấp ba ở Arlington, Virginia và
cô bằng lòng với cuộc sống hiện tại của .



Cô thậm chí không muốn nhận những lời khuyên đầu tư của bố. Thay vào đó,
hầu hết mọi quyết định tài chính của cô đều dựa vào lời khuyên của một
trong những hãng môi giới chứng khoán lớn nhất nước Mỹ: Công ty Harris
& Jones. Công ty này có trên 5 triệu khách hàng và là một trong
những công ty có danh tiếng nhất ở phố Wall. Cô cảm thấy mình có thể tin
tưởng ở họ.



Người nhân viên trực tiếp phụ trách tài khoản của cô, James Dubois, đã
thực hiện tốt nhiệm vụ trong suốt những năm 1990. Vì thế, cô cũng rất
tin tưởng anh.



Một buổi sáng thứ hai, cô gọi điện cho anh xin lời khuyên. Cô mới có một
khoản tiền 160.000 đôla và cô muốn dùng để đầu tư. Đây là khoản tiền cô
kiếm được từ việc bán căn hộ thứ hai và cô hy vọng sẽ biến số tiền này
thành một ngân quỹ lớn đủ để trang trải chi tiêu khi nghỉ hưu và tiền
học phí cho lũ trẻ.



“Tôi có một loại cổ phiếu rất thú vị dành cho cô,” nhân viên chứng khoán
tuyên bố đầy phấn khích. “Giá ban đầu của nó là 64 đôla, nhưng giờ thì
giá đã giảm xuống chỉ còn 40 đôla. Tin tốt lành là loại cổ phiếu này có
thể đem lại lợi nhuận 2 đôla cho một cổ phiếu trong năm nay. Với mức giá
40 đôla, như vậy, giá bán ra của nó chỉ gấp 20 lần so với lợi nhuận mà
nó thu được”.



“Như vậy là tốt ư?” cô hỏi.



“Tốt? Cô không đùa đấy chứ? Đó là một món hời! Hầu hết các công ty trong
ngành này đều bán cổ phiếu ở mức giá gấp 30 hay 40 lần so với lợi nhuận
nó kiếm được. Vì thế, cổ phiếu của công ty này có giá trị thật gấp 30
hay 40 lần so với khoản lợi nhuận 2 đôla cho mỗi cổ phiếu. Nhân chúng
lên và cô có gì nào?”.



“60 hay 80 đôla một cổ phiếu?”.



“Chính xác. Và có khả năng nhiều là 80 đôla. Nhưng cô sẽ chỉ phải trả có
40 đôla! Đó là lý do chính tại sao các chuyên gia phân tích của chúng
tôi đánh giá cổ phiếu này là “nên mua”. Cô có xem chương trình CNBC sáng
nay không? Không sao? Thật đáng tiếc. Chỉ vài tiếng trước, chuyên gia
phân tích của chúng tôi đã nói về nó".



“Cổ phiếu đó tên là gì?”



“United Comminications and Business Systems-UCBS. Tôi chắc rằng cô đã từng nghe cái tên đó".



Cô gật đầu chậm rãi. Sau khi gạt bỏ những lo ngại, cô quyết định đầu tư
80.000 đôla vào công ty này. Nhân viên môi giới mua cho cô 2.000 cổ
phiếu với giá 40 đôla và cô chỉ phải đợi những cổ phiếu này lên giá.



Tình hình đã diễn biến theo chiều ngược lại. Có tin đồn rằng UCBS đã
phóng đại lợi nhuận. Chi tiết thì không rõ lắm, nhưng theo một vài nguồn
tin (trong đó có những nguồn tin đáng tin cậy) thì thay vì kiếm được 2
đôla cho mỗi cổ phiếu thì công ty thực tế chỉ kiếm được 1 đôla.



Bởi vì hầu hết các nhà đầu tư vẫn đánh giá giá cổ phiếu của công ty ở
mức 20 lần lợi nhuận, cho nên nếu như những tin đồn đó là sự thật, thì
cổ phiếu này sẽ chỉ có giá 20 x 1 đôla, hay 20 đôla. Gần như ngay lập
tức, các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu của họ khi giá rơi về mức
20 đôla. Trong vòng vài ngày, cô đã mất gần nửa số tiền đầu tư.



Như cứa thêm vào nỗi đau, vài tháng sau, người ta còn phát hiện ra rằng
một số những nhận xét tốt đẹp mà phố Wall đánh giá về cổ phiếu này thật
ra là do công ty đó mua và trả tiền. Những nhà phân tích đã được trả
những khoản tiền lớn để đẩy giá cổ phiếu lên và họ đã đánh bóng triển
vọng vốn đã được phóng đại của công ty. Khi tin này được đưa ra, một số
nhà phân tích đã giáng cấp cổ phiếu của công ty xuống mức “giữ”, mà thực
ra đó là ký hiệu của phố Wall thay cho “bán”. Một lần nữa, giá cổ phiếu
này lại giảm xuống còn một nửa, tức là còn 10 đôla. Từ khoản đầu tư
80.000 đôla, giờ đây cô chỉ còn vỏn vẹn có 20.000 đôla.



Khi cô đang suy ngẫm về tình trạng khó khăn của mình, thì vào một buổi
chiều, tiếng chuông điện thoại reo cắt ngang dòng suy nghĩ của cô. Lại
là Dubois. Trong khi cô còn đang bất ngờ, anh ta lại gợi ý cô nên mua
thêm 2.000 cổ phiếu nữa của chính công ty này, loại cổ phiếu đang làm
cho danh mục đầu tư của cô rơi tự do.



“Hãy xem này,” anh nói. “Tất cả những tin đồn xấu mà cô đã nghe về công
ty này chính là cái may trong cái rủi. Chúng làm cho giá cổ phiếu giảm
xuống dưới giá trị thực của công ty. Điều cô cần làm lúc này là bỏ ra
thêm một chút tiền nữa và cô có thể cắt giảm chi phí bình quân một cách
ngoạn mục. Thay vì mua 2.000 cổ phiếu với mức giá 40 đôla, thì giờ đây
cô có thể có 2.000 cổ phiếu với mức giá chỉ còn 10 đôla và như vậy, tổng
cộng cô sẽ có 4.000 cổ phiếu với mức giá trung bình là 25 đôla. Đó
chính là mức giá trung bình”.



Cô cảm thấy do dự. Cô nói với anh ta rằng thật ra cô đang nghĩ đến
chuyện bán lượng cổ phiếu mình đang có. “Ồ không!” anh ta đáp lại trong
hơi thở gấp gáp. “Giờ chính là thời điểm tồi nhất để làm việc đó. Thay
vì thế, cô nên mua thêm! Và nếu như cô không có đủ can đảm để mua thêm,
thì cũng hãy giữ lại cổ phiếu”.



Dubois ngừng lại đôi chút để thăm dò phản ứng của cô. Nhưng cô vẫn im
lặng. “Hãy nhớ một quy luật vàng để thắng trên thị trường chứng khoán”,
anh nói với giọng điệu chuyên nghiệp. “Đó là luôn đầu tư dài hạn. Thị
trường sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho các kế hoạch đầu tư dài hạn. Mọi
thứ luôn quay vòng”.



Trước đây, cô đã nghe điều này nhiều lần từ hầu hết mọi người – bạn bè,
các chuyên gia hoạch định tài chính, chương trình ti vi và các nhà bình
luận. Điều đó dường như đã trở thành một chân lý với những bằng chứng
lịch sử trong hàng thập kỷ. Cô chưa từng nghe ai nói điều ngược lại và
vì thế, cô dễ dàng chấp nhận nó mà không hề thắc mắc.



Trong những ngày sau đó, trong cô luôn giằng co về quyết định này và mỗi
lần cô nói chuyện với Dubois, anh đều đưa ra một câu châm ngôn về đầu
tư mới để thuyết phục cô hãy kiên nhẫn và chờ đợi.



Nhân viên môi giới này có một mục đích đó là: anh ta muốn giữ khách hàng
này và kinh nghiệm cho anh ta biết rằng một khi khách hàng đã bán tháo
cổ phiếu, họ thường từ bỏ luôn thị trường chứng khoán và tệ hơn nữa là
đóng luôn tài khoản của họ. Suy nghĩ như vậy nên anh ta quyết tâm ngăn
cản cô bán cổ phiếu bằng mọi cách.



Thủ thuật đầu tiên anh ta vận dụng là luận điệu “thua lỗ trên giấy tờ”
(paper-loss). “Đừng lo về khoản thua lỗ đó,” anh ta tuyên bố. “Chúng chỉ
là những khoản thua lỗ trên giấy tờ mà thôi. Nếu cô bán chúng, cô sẽ
biến nó thành sự thật.” Anh ta không hề nói rằng thực ra chẳng có gì
khác biệt giữa một khoản thua lỗ trên giấy tờ và khoản thua lỗ hiện
thực. Anh ta cũng không tiết lộ với cô rằng Ủy ban chứng khoán (SEC)
thậm chí còn yêu cầu những nhà môi giới phải định giá cổ phiếu mà họ nắm
giữ trong danh mục đầu tư theo giá hiện tại để xác định khoản lỗ thật
dù các cổ phiếu đã được bán hay chưa. Anh ta thừa hiểu rằng, dù thế nào
lỗ vẫn là lỗ. Đó là một sự thật.



Khi luận điệu “thua lỗ trên giấy tờ” không còn tỏ ra hiệu quả, anh ta cố
gắng lập luận theo kiểu: “Đừng có ngốc mà bán đi khi giá đang ở đáy.”
Anh ta thậm chí còn sử dụng câu nói mà ông giám đốc kinh doanh cũ đã nói
với anh ta: “Chúng ta đã ở gần, rất gần với đáy. Thậm chí có thể chúng
ta đang ở đáy rồi. Nếu cô bán bây giờ, thì chỉ ba tháng sau thôi cô sẽ
phải trả giá. Đừng hành động ngu ngốc như thế chứ".



Sự thật thì nhà môi giới hay bất kỳ ai cũng đều không hề biết đáy nằm ở
đâu. Cùng lúc đó, với kinh nghiệm cá nhân, anh ta hiểu rằng cổ phiếu sẽ
không chạm đáy nếu chỉ đơn giản vì nó rẻ đi. Trên thực tế, với danh mục
đầu tư cá nhân của mình, nhà môi giới đã quyết định rằng anh ta không
nên là người đưa ra mức đáy cho đến khi những người môi giới khác làm
việc đó.



Như thường lệ, vào giữa tuần, thị trường đột nhiên hồi phục mạnh mẽ và
Linda Dedini cho rằng đây chính là cơ hội để cô thoát khỏi tình cảnh
hiện tại. Cô gọi điện cho Dubois để kết thúc mọi thứ nhưng anh ta lập
tức phản bác lại với lập luận về một sự “hồi phục lớn hơn”. “Thị trường
đang hồi phục!” anh ta nói và miêu tả chi tiết những diễn biến của chỉ
số Dow Jones. “Cổ phiếu UCBS của cô đang bắt đầu trở lại. Cô không phải
đang muốn rút ra đấy chứ? Cô muốn rút lui? Tôi không tin! Sau khi chờ
đợi kiên trì như thế, cô lại muốn bỏ chạy bây giờ ư, khi mà mọi thứ đang
bắt đầu thay đổi theo chiều hướng có lợi cho cô?”.



Nhà môi giới giở con bài cuối cùng trong những thủ thuật của mình là
kích động vào lòng yêu nước. Anh ta hỏi: “Cô có biết điều gì sẽ xảy ra
nếu ai cũng làm như cô không? Điều đó sẽ làm cho thị trường tài chính
khủng hoảng. Nhưng nếu như cô và hàng triệu nhà đầu tư khác chỉ cần có
thêm một chút niềm tin vào nền kinh tế của chúng ta, vào đất nước chúng
ta – thì thị trường sẽ hồi phục và mọi người sẽ đều kiếm được lợi”.



Những tháng sau đó, cô sẽ nhận ra rằng có nhiều khoản đầu tư khác mà cô
có thể kiếm được lợi khi thị trường đi xuống và sau một vài thất bại ban
đầu, cô sẽ mài dũa được kỹ năng để kiếm lợi lớn khi thị trường suy sụp.
Tuy nhiên, hiện tại cô chỉ biết có ba lựa chọn: mua, bán hoặc giữ lại.
Và cô quyết định giữ lại.



Nhà môi giới không hề biết rằng cô có những lý do riêng khi làm việc đó: cha cô chính là CEO của công ty này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét